Lượt xem: 1349

Nông dân Sóc Trăng hướng đến mô hình nuôi bò theo tiêu chuẩn VietGAP

Thời gian qua, với nhiều chương trình, dự án, tỉnh Sóc Trăng đã rất chú trọng công tác chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, chuyển đổi phương thức chăn nuôi, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi bò. Từ chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại, trang trại quy mô từ 10 con trở lên; chuyển từ chăn nuôi thông thường sang chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đảm bảo an toàn sinh học, nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế nông hộ.

    Chăn nuôi bò ở nước ta có vai trò quan trọng trong việc cung cấp loại thực phẩm có chất lượng cao như: Sữa, thịt, đáp ứng nhu cầu xã hội, từng bước thay thế nhập khẩu. Phát triển chăn nuôi bò còn là một giải pháp thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; đồng thời, tạo điều kiện thu hút lao động tại nông thôn, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập. Riêng tại Sóc Trăng, chăn nuôi bò cũng được xác định là nghề truyền thống lâu đời gắn với vùng đồng bào dân tộc Khmer. Con bò đã tạo sinh kế bền vững cho nhiều nông hộ cũng như tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp trong tỉnh. Thực hiện Nghị quyết số 90/2016/NQ-HĐND ngày 09/12/2016 của HĐND tỉnh về việc thông qua Dự án Phát triển chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025 có mục tiêu cụ thể về cơ chế, kỹ thuật, quản lý, xây dựng mô hình tiêu biểu trong đó có mô hình chăn nuôi bò theo tiêu chuẩn VietGAP để thực hành chăn nuôi an toàn sinh học, phù hợp nhu cầu thị trường người tiêu dùng, đáp ứng một phần nhu cầu con giống đạt tiêu chuẩn.


Trao chứng nhận chăn nuôi bò theo tiêu chuẩn VietGAP cho hộ bà Võ Thị Thu Hà ở xã Tuân Tức, huyện Thạnh Trị. Ảnh Ngọc Thơ

 

    Nếu như VietGAP trên cây trồng đã trở thành một mô hình nông nghiệp sạch quen thuộc đối với người dân Sóc Trăng thì VietGAP trong lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi bò thịt vẫn còn là một vấn đề khá mới mẻ đối với nông hộ. Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với thành viên Ban quản lý Dự án phát triển chăn nuôi bò trong quá trình triển khai xây dựng mô hình. Theo đó, mô hình nuôi bò thịt theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi hộ nuôi phải có địa điểm cách xa khu dân cư và thuận tiện trong giao thông; quy mô chăn nuôi phải từ 10 con trở lên, trong đó có ít nhất 5 con bò cái sinh sản; có đủ diện tích để bố trí nhà kho, chuồng cách ly, diện tích trồng cỏ từ 2.000 mét vuông trở lên. Đảm bảo phải có từ 1 - 2 lao động thường xuyên và người trực tiếp nuôi phải có khả năng tiếp thu kiến thức chuyên môn và ghi chép sổ sách. Ban Quản lý Dự án Phát triển chăn nuôi bò còn sử dụng kinh phí để lựa chọn dịch vụ tư vấn có năng lực và kinh nghiệm để tổ chức chứng nhận VietGAP; với mục tiêu cốt lõi là giúp hộ nuôi thấy rõ tầm quan trọng cũng như những lợi ích thiết thực của việc thực hành chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP đối với bản thân nông hộ và nhu cầu tiêu dùng xã hội. Bà Diệp Thị Mỹ Nhung - Ban Quản lý Dự án phát triển chăn nuôi bò thịt tỉnh Sóc Trăng thông tin thêm: “Dự án sẽ hỗ trợ hộ nuôi 30% trong việc khắc phục những thiếu hụt về cơ sở hạ tầng, tuy nhiên kinh phí này không vượt quá 30 triệu đồng. Chúng tôi chủ yếu hỗ trợ về vật tư để xây dựng, sửa chữa chuồng trại, phần còn lại hộ nuôi phải tự chi để đáp ứng điều kiện tham gia thực hành chăn nuôi VietGAP. Đảm bảo làm sao sau khi được cấp giấy chứng nhận, hộ vẫn duy trì tốt tiêu chuẩn VietGAP này”.

    Là một trong bốn hộ gia đình tham gia mô hình chăn nuôi bò theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Thạnh Trị; bà Võ Thị Thu Hà ở xã Tuân Tức đã thực hiện đúng quy trình chăn nuôi được Ban Quản lý Dự án Phát triển chăn nuôi bò của tỉnh hướng dẫn. Theo đó, chuồng nuôi của gia đình đáp ứng đúng yêu cầu thực hiện mô hình khi có địa điểm cách xa khu dân cư và thuận tiện trong giao thông; quy mô chăn nuôi cũng đáp ứng từ 10 con trở lên, trong đó có ít nhất 5 con bò cái sinh sản. Gia đình cũng đầu tư xây dựng chuồng cách ly, mở rộng diện tích trồng cỏ từ 2.000 mét vuông trở lên. Nhờ thực hiện nhốt bò mới mua khoảng 03 tuần tại chuồng cách ly trước khi đưa vào chuồng nuôi mà đàn bò phát triển khỏe mạnh, không xảy ra bệnh. Bình quân 6 tháng, bà Hà đã có thể xuất bán từ 4 - 5 con, thu về lợi nhuận 5 triệu đồng mỗi con. Bà Hà cho biết: “Trước kia chăn nuôi theo truyền thống nên cũng ít quan tâm đến vấn đề môi trường, từ ngày tham gia mô hình VietGAP, được các kỹ sư hướng dẫn kỹ nên tôi ý thức được chăn nuôi phải gắn liền với bảo vệ môi trường, biết ghi chép nhật ký chăn nuôi để nắm rõ quá trình phát triển của bò, rồi tiêm phòng các bệnh đúng định kỳ, nhờ vậy bò phát triển khỏe mạnh”.

    Riêng với hộ anh Huỳnh Văn Danh ở ấp Tân Bình, xã Long Bình, thị xã Ngã Năm; khởi nghiệp từ nghề chăn nuôi bò thịt với 04 con bò sinh sản ban đầu từ năm 2016, đến nay chuồng bò của anh đã phát triển nhanh chóng với tổng đàn hiện tại hơn 20 con. Nếu như trước kia chỉ thực hành chăn nuôi theo tập quán thông thường; thì giờ đây, nhờ những kiến thức được trang bị khi tham gia mô hình VietGAP, khu chuồng trại của anh được đảm bảo hơn về vệ sinh môi trường, chất lượng đàn bò cũng đã được cải thiện rõ rệt. Anh Danh chia sẻ: “Nuôi bò theo mô hình VietGAP khác so với kiểu chăn nuôi trước kia nhiều lắm. Từ khâu cho ăn, vệ sinh chuồng trại đến phòng bệnh đều phải rất kỹ càng. Thấy nuôi theo mô hình này bò nhanh đạt trọng lượng hơn, nhờ chăn nuôi sạch nên khâu tiêu thụ cũng thuận lợi hơn rất nhiều”.

    Nếu như thời gian đầu triển khai xây dựng mô hình VietGAP còn gặp nhiều khó khăn do đa số hộ còn chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị chăn nuôi chưa đảm bảo yêu cầu theo tiêu chuẩn; thì sau thời gian dài áp dụng với nhiều lợi ích cho cả người chăn nuôi, người tiêu dùng và xã hội; chăn nuôi bò theo tiêu chuẩn VietGAP là phương thức chăn nuôi mà nhiều địa phương sẽ hướng đến nhằm làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc phát triển các mô hình chăn nuôi bò đảm bảo an toàn sinh học và đảm bảo truy xuất rõ nguồn gốc. Từng bước hạn chế dần tình trạng chăn nuôi mang tính tự phát, nhỏ lẻ; phát triển chăn nuôi bò thịt thành một ngành nghề ổn định và tạo được sinh kế bền vững cho người nông dân.

    Đồng chí Nguyễn Thùy Trang - Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm: “Qua quá trình triển khai tại địa phương, mô hình nuôi bò thịt theo tiêu chuẩn VietGAP đã mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho hộ nuôi từ việc gia tăng giá trị kinh tế đến đảm tốt yếu tố môi trường trong quá trình duy trì và phát triển nghề nuôi. Với số lượng tổng đàn bò thịt còn khá lớn trên địa bàn, huyện Thạnh Trị cũng sẽ tiếp tục phối hợp tốt cùng Ban Quản lý Dự án làm sao tạo điều kiện để tất cả các hộ đều có điều kiện tham gia mô hình này để đàn bò thịt tại Thạnh Trị không chỉ đáp ứng được yêu cầu về số lượng mà chất lượng cũng sẽ được cải thiện hơn”.

    Tính đến nay, Dự án đã xây dựng được 05 mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP trên bò thịt, có 03 mô hình đạt chuẩn đã được công nhận tại các huyện: Long Phú, Thạnh Trị và thị xã Ngã Năm.  Mô hình chăn nuôi bò thịt tại Sóc Trăng đã khẳng định được hiệu quả kinh tế rõ rệt khi cải thiện được đáng kể nguồn thu nhập cho người dân nông thôn, đặc biệt là bà con ở vùng đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, để nghề chăn nuôi bò của tỉnh phát triển một cách bền vững và tạo thành chuỗi liên kết an toàn từ trang trại đến bàn ăn thì đòi hỏi người dân phải thay đổi dần tập quán chăn nuôi ngay từ bây giờ. Và, thực hành chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP là một trong những mô hình giải quyết thỏa đáng vấn đề được đặt ra.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 51
  • Hôm nay: 126
  • Trong tuần: 70,553
  • Tất cả: 11,802,560